Chia sẻ về vấn đề này, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết: “Theo các nghiên cứu mới nhất từ các bệnh nhân số lượng lớn tại Trung Quốc thì biến chứng viêm phổi là nghiêm trọng nhất với những người mắc Covid-19. Tuy nhiên, mức độ viêm phổi cũng rất khác nhau ở các bệnh nhân mắc bệnh. Có khoảng 15% bệnh nhân có biến chứng viêm phổi rất nặng, ngoài ra có khoảng 7% bệnh nhân có biến chứng suy thận. Trong số các bệnh nhân bị biến chứng viêm phổi rất nặng, có thể có một số bệnh nhân bị tiến triển tổn thương đa tạng.
Theo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, số bệnh nhân mắc Covid-19 ở Việt Nam không nhiều so với các nước khác, chỉ có 16 bệnh nhân nên đủ khả năng đáp ứng điều trị.
Tuy nhiên, trong trường hợp số lượng bệnh nhân nhiều hơn, thì Bộ Y tế đã có các chiến lược ứng phó và cung ứng khả năng chăm sóc tốt nhất. Chiến lược đó là “bốn tại chỗ” gồm: điều trị tại chỗ với nguồn lực tại chỗ, nhân lực tại chỗ và thiết bị tại chỗ. Chỉ những bệnh nhân nặng mới chuyển lên bệnh viện tuyến trên.
“Cá nhân tôi cho rằng, với số lượng bệnh nhân không quá nhiều thì hệ thống y tế của chúng ta hoàn toàn có khả năng đáp ứng được với chiến lược phân tuyến điều trị theo phương châm bốn tại chỗ”, bác sĩ Cấp chia sẻ.
Theo phân tuyến, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương là tuyến 1, Bệnh viện Phổi Trung ương là tuyến 2, các bệnh viện tỉnh là tuyến 3 còn các bệnh viện tuyến dưới luôn nhận được sự hỗ trợ của bệnh viện tuyến trên về mặt nhân lực và trang thiết bị.
Bộ Y tế đã lên phương án sẵn sàng cho tất cả các tình huống xảy ra, đáp ứng đầy đủ, kịp thời khi có tình huống xấu nhất xảy ra, đảm bảo công tác điều trị tốt nhất cho người bệnh.
Duy Tuân