Chế độ dinh dưỡng hợp lý cho người có bệnh lý nền trong mùa dịch Covid-19
Ngày xuất bản: 28/04/2020

Theo bác sĩ Nguyễn Văn Tiến, Viện Dinh dưỡng quốc gia, đối với những người có bệnh lý nền, mắc các bệnh lý như tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn…khi bị nhiễm Covid-19 thì việc điều trị sẽ kéo dài và diễn biến của bệnh cũng phức tạp khó lường hơn so với người khỏe mạnh.

Vì thế, bên cạnh biện pháp phòng bệnh thì cần thực hiện chế độ ăn uống hợp lý, đảm bảo chất dinh dưỡng, thường xuyên luyện tập thể dục thể thao tăng cường sức khỏe, có lối sống lành mạnh.

Theo bác sĩ Nguyễn Văn Tiến, Viện Dinh dưỡng quốc gia, người bị tăng huyết áp (THA) nếu không thực hiện chế độ ăn uống hợp lý thì việc điều trị sử dụng thuốc hạ huyết áp cũng kém hiệu quả. Chế độ ăn cần cung cấp đủ năng lượng, các vitamin và khoáng chất, ăn ít muối, giàu kali, canxi, giàu các chất chống ôxy hóa, giàu chất xơ, lợi niệu, giảm axít béo bão hòa và tổng lượng chất béo, giảm chất kích thích…

Bác sĩ Nguyễn Văn Tiến cho biết, tổng năng lượng trong ngày cần khoảng 30 - 35 Kcal/kg cân nặng/ngày. Năng lượng từ ngũ cốc chiếm 55 - 67%; protein là 12 - 15% và lipit chiếm 15 - 20%. Về chất đạm là khoảng 60 g/ngày, dùng nhiều protein thực vật như đậu đỗ, nên ăn các loại thịt nạc, ít béo, 2 quả trứng/tuần. Cần bỏ thức ăn nhiều cholesterol như óc, lòng, tim, gan, thận.

Tốt nhất là ăn các nhóm thực phẩm giàu chất xơ như gạo lứt, gạo lật, gạo lật nảy mầm. Về chất béo khoảng 25 g/ngày, nên ăn các loại thực phẩm giàu acid béo omega-3 như cá hồi, vài bữa cá thu/tuần, dùng dầu mỡ từ cá, đậu tương, lạc vừng, dầu hướng dương. Không ăn mỡ, nội tạng động vật; hạn chế ăn đường, bánh kẹo ngọt.

Ăn nhiều rau xanh và hoa quả chín để tăng cường cung cấp kali, chất xơ, các vitamin và chất khoáng. Nên ăn quả chín dạng miếng, múi, không ép, xay hay vắt lấy nước để tăng cường chất xơ. Tăng sử dụng các thức ăn, thức uống có tác dụng an thần, hạ huyết áp, lợi tiểu như canh lá vông, hạt sen, ngó sen…

Theo nhu cầu của người trưởng thành cần ăn ít nhất 400g rau xanh và hoa quả chín/ngày, trong đó 100g hoa quả/ngày. Thực hiện chế độ ăn nhạt vì trong thực phẩm tự nhiên đã có muối dưới 5 g muối/người/ngày. Không ăn thực phẩm chế biến sẵn chứa nhiều muối như cá hộp, thịt muối, thịt hộp, dưa cà, các món kho, rim, các loại nước mắm, mắm tôm, mắm tép, thức ăn đóng hộp… Không uống các loại đồ uống có cồn, có ga và các chất kích thích: Rượu bia, cà phê, nước chè đặc.

Bác sĩ Nguyễn Văn Tiến chia sẻ, người bị bệnh đái tháo đường (ÐTÐ) cần ăn uống là cung cấp đủ các chất dinh dưỡng và các thức ăn thích hợp nhằm bảo đảm được cuộc sống bình thường, duy trì trọng lượng cơ thể ở mức vừa và đủ (18,5 ≤ BMI ≤ 23), chia bữa ăn thành nhiều bữa một cách hợp lý gồm có bữa chính và bữa phụ để bảo đảm nhu cầu về năng lượng và kiểm soát glucose máu, huyết áp và lipít máu phù hợp từng cá thể.

Người bệnh ÐTÐ nên chọn các thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp để sử dụng, cần thực hiện chế độ ăn uống để duy trì đường huyết ổn định, tránh các thức ăn làm tăng đường huyết. Vì vậy, người bệnh ÐTÐ phải hạn chế ăn nhiều, hạn chế ăn các thực phẩm chứa nhiều đường, bỏ dần thói quen ăn ngọt, món chiên rán, món xào, uống rượu. Nếu không thực hiện chế độ ăn bệnh lý nghiêm ngặt sẽ làm bệnh ÐTÐ nặng hơn, gây nhiều biến chứng các cơ quan khác như  suy thận, suy tim, làm tăng huyết áp…

Dựa vào thành phần dinh dưỡng thực phẩm thông dụng để chọn thức ăn cho từng bữa và trong từng ngày. Nên lựa chọn thực phẩm có hàm lượng glucid ≤ 5% gồm các loại thịt, cá, đậu phụ với số lượng vừa phải, hầu hết các loại rau xanh và một số loại trái cây ít ngọt như: Dưa bở, mận, nho ta, nhót có thể sử dụng không hạn chế.

Hạn chế thực phẩm có hàm lượng glucid từ 10 đến 20%, nên ăn hạn chế từ 3 đến 4 lần/tuần với số lượng vừa phải gồm một số hoa quả tương đối ngọt như quýt, táo, vú sữa, na, hồng xiêm, các loại đậu quả như đậu vàng, đậu hà lan. Không nên ăn hoặc rất hạn chế thực phẩm có hàm lượng glucid hơn 20% như các loại bánh ngọt, mứt, kẹo, nước ngọt và các loại trái cây ngọt nhiều (mít khô, vải khô, nhãn khô). Riêng gạo là lương thực ăn hằng ngày thì cần khống chế số lượng từng bữa ≤ 70 g/bữa chính.

Đối với người bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) thì suy dinh dưỡng là vấn đề phổ biến, trong đó sụt giảm khối cơ và suy giảm chức năng. Các thiếu hụt về dinh dưỡng không chỉ ảnh hưởng tới khối cơ và chức năng mà còn ảnh hưởng xấu tới mô mỡ và khối xương, làm cho người bệnh có thể suy kiệt.

Ðồng thời suy dinh dưỡng còn ảnh hưởng tới đáp ứng miễn dịch, tăng nhiễm trùng và làm cho bệnh trở nên nặng hơn. Hỗ trợ dinh dưỡng cho người bệnh COPD bằng chế độ ăn cải thiện năng lượng và protein trong khẩu phần giúp phòng ngừa sụt cân, cải thiện chức năng cho người bệnh, trong đó có sức mạnh cơ hô hấp và cơ liên sườn.

Người bệnh nên bổ sung các thực phẩm giàu protein, chất lượng cao, chẳng hạn như thịt các loài động vật, thịt gia cầm, trứng và cá, nhất là các loại cá có nhiều chất béo như cá hồi, cá thu.

Những thực phẩm có nhiều chất xơ, giúp cải thiện chức năng của hệ thống tiêu hóa và kiểm soát lượng đường trong máu như đậu Hà Lan, khoai tây còn nguyên vỏ, các loại đậu. Tăng cường trái cây và rau quả tươi chứa các vitamin, khoáng chất và chất xơ thiết yếu. Những chất dinh dưỡng này sẽ giúp cơ thể khỏe mạnh. Bổ sung các thực phẩm giàu kali  như bơ, các loại rau có mầu xanh lá đậm, cà chua, chuối, cam. Nên chọn đồ ăn nhẹ và có chất béo như bơ, các loại hạt, dầu ôliu, phô mai.

Bên cạnh đó, cần thay đổi các loại thực phẩm và cách chế biến để người bệnh dễ ăn, thực hiện chế độ dinh dưỡng hợp lý, tăng cường chế độ ăn giàu chất xơ giúp kích thích nhu động ruột. Chia nhỏ bữa ăn khoảng 5 bữa/ngày, tránh ăn quá no có thể gây khó thở. Thực phẩm nên được chế biến nhừ để dễ nhai, tránh để phải gắng sức khi ăn.

Bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng hàng ngày kết hợp vận động thể dục thể thao thường xuyên để tăng cường sức khỏe, giúp cho con người cảm thấy khỏe mạnh hơn, phòng tránh được nhiều bệnh tật.

Duy Tuân

Các tin khác
Dịch vụ viêm chủng Dịch vụ xét nghiệm Dịch vụ khử trùng Quan trắc môi trường Khám sức khỏe người lao động Kiểm dịch y tế quốc tế Dịch vụ trực tuyến

                           TRUNG TÂM KIỂM SOÁT BỆNH TẬT THÀNH PHỐ HÀ NỘI

                         Địa chỉ cơ quan: - Số 70 Nguyễn Chí Thanh, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội (Trụ sở chính)

                                                      - Khu Hành chính mới, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội (Cơ sở 2)

                                                      - Số 1 Ngõ 2, đường Quang Trung, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội (Cơ sở 3)

                         Điện thoại: 02438343537           Hotline: 0866067525                Email: ttksbt_soyt@hanoi.gov.vn               

                         Ghi rõ nguồn: Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội khi phát hành lại thông tin