Trong thời gian qua, ngành y tế đã có nhiều giải pháp để nâng cao công tác kiểm soát nhiễm khuẩn (KSNK) trong các cơ sở khám, chữa bệnh như ban hành nhiều chính sách, văn bản, hướng dẫn chuyên môn nhằm tăng cường năng lực KSNK cho các cơ sở y tế trong toàn quốc.
Theo PSG.TS Lương Ngọc Khuê, giai đoạn 2016-2020, ngành y tế đã có nhiều giải pháp để nâng cao công tác kiểm soát nhiễm khuẩn trong các cơ sở khám, chữa bệnh.Công tác KSNK tại Việt Nam tập trung vào hoàn thiện và đưa vào áp dụng bộ tiêu chí chất lượng về KSNK bằng việc cụ thể hóa các mục tiêu, chỉ tiêu được quy định tại Kế hoạch hành động quốc về KSNK để các bệnh viện nghên cứu thực hiện cải tiến chất lượng KSNK; ban hành các quy định, hướng dẫn chuyên môn KSNK còn thiếu. Đẩy mạnh công tác đào tạo cho đội ngũ làm KSNK chuyên trách, cán bộ phụ trách công tác KSNK tại các cơ sở y tế tập trung vào đào tạo kỹ năng kiểm tra giám sát và quản lý chất lượng; đào tạo liên tục về KSNK cho nhân viên y tế và lồng ghép đào tạo KSNK trong các trường thuộc khối ngành khoa học sức khỏe; đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị và kinh phí để triển khai các hoạt động KSNK. Tăng cường nghiên cứu khoa học về KSNK nhằm phát hiện sớm NKBV, các vi khuẩn đa kháng thuốc và hiệu quả KSNK và tăng cường truyền thông về KSNK để các cấp, các ngành, người bệnh, người nhà người bệnh và cộng đồng hiểu được tầm quan trọng của công tác KSNK, cùng phối hợp với ngành y tế triển khai các hoạt động nhằm tăng cường công tác KSNK trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bảo đảm cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh an toàn nhất.
Nhiều chính sách, văn bản, hướng dẫn chuyên môn đã được ban hành nhằm tăng cường năng lực KSNK; Hệ thống tổ chức KSNK được thiết lập từ Bộ Y tế đến các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và đi vào hoạt động hiệu quả; Các cơ sở KBCB đã bước đầu huy động nguồn lực cho các hoạt động KSNK; hoạt động KSNK được triển khai thực hiện với chất lượng ngày càng cao tại hầu hết các cơ sở KBCB: bước đầu thực hiện giám sát ca bệnh nhiễm khuẩn bệnh viện, giám sát tuân thủ vệ sinh tay, giám sát tuân thủ các quy trình KSNK, giám sát vi sinh vật gây nhiễm khuẩn bệnh viện và kháng kháng sinh, từng bước chuẩn hóa công tác khử khuẩn, tiệt khuẩn, tăng cường vệ sinh bệnh viện, chủ động phòng chống bệnh dịch…
Theo GS.TS Nguyễn Thanh Long - Thứ trưởng Bộ Y tế,dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp tuy nhiên Việt Nam đang kiểm soát tốt dịch Covid-19, nhiều bệnh nhân nặng chúng ta đã ứng phó tốt, không để xảy ra trường hợp tử vong, lây nhiễm sang nhân viên y tế. Với 4 phương châm tại chỗ: “cách ly tại chỗ”, “điều trị tại chỗ”, “nguồn lực tại chỗ” và “chỉ huy tại chỗ” cùng với sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ, đồng bộ của các bộ, ngành và nỗ lực của các thầy thuốc, sự hợp tác của người bệnh, đồng lòng của người dân với tinh thần "chống dịch như chống giặc”, “không được chủ quan, không để dịch lây lan” đã giúp Việt Nam nhanh chóng hạn chế được sự lây lan của dịch bệnh và điều trị thành công cho các ca bệnh Covid-19.
PGS.TS Lương Ngọc Khuê nhấn mạnh, các thầy thuốc ở các tuyến đầu đang căng mình chống dịch và là lực lượng hàng ngày, hàng giờ tiếp xúc với nguồn bệnh và những người mắc bệnh. Việc hơn 3.000 cán bộ y tế ở Vũ Hán, Trung Quốc bị lây nhiễm hay tình trạng lây nhiễm tốc độ chóng mặt tại Hàn Quốc là bài học cho Việt Nam. Do đó, tất cả cán bộ y tế không được chủ quan và lơ là trong phòng và kiểm soát nhiễm khuẩn trong cơ sở y tế.
Hướng dẫn phục hồi chức năng cho người bệnh tại bệnh viện
Còn theo ThS.BS Trần Hữu Luyện - Ủy viên Hội đồng Chuyên môn Kiểm soát nhiễm khuẩn Bộ Y tế, phòng chống nhiễm khuẩn trong cơ sở y tế là việc làm rất cần thiết, đòi hỏi tất cả các nhân viên y tế, bệnh nhân và người nhà bệnh nhân đều phải nâng cao hiểu biết, có ý thức tự giác thực hiện cũng như áp dụng biện pháp phòng ngừa. Một trong các giải pháp vừa hữu hiệu, vừa tiết kiệm chi phí giúp ngăn ngừa nhiễm khuẩn bệnh viện đó là vệ sinh bàn tay đúng cách. Đây là biện pháp đơn giản, kinh tế và hiệu quả nhất đề phòng nhiễm khuẩn bệnh viện vì tác nhân gây bệnh (vi khuẩn, vi rút, ký sinh trùng, nấm…) từ bệnh nhân, môi trường y tế (dụng cụ, không khí, nước…) có thể lan truyền qua bàn tay từ nhân viên y tế đến bệnh nhân và ngược lại. Từ đó, vệ sinh bàn tay trước và sau mỗi lần tiếp xúc với bệnh nhân, trước khi làm các thủ thuật vô khuẩn, sau khi tiếp xúc với dụng cụ y tế nhiễm khuẩn là biện pháp quan trọng nhất để phòng chống nhiễm khuẩn bệnh viện. Cùng với thực hành vệ sinh tay đúng cách trong các cơ sở khám chữa bệnh thì việc kiểm soát cả quá trình, kiểm soát nhiều tầng, nhiều mức độ sẽ góp phần giảm bớt được rủi ro.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới WHO, một chương trình KSNK hoàn chỉnh gồm 8 cấu phần: (I) Kế hoạch hành động KSNK bao gồm việc xác định mục tiêu rõ ràng, sự ủng hộ, cam kết của Lãnh đạo, hoàn thiện hệ thống tổ chức nhân lực KSNK và vi sinh; (II) Hướng dẫn chuyên môn KSNK phù hợp áp dụng tại đơn vị; (III) Giáo dục và đào tạo; (IV) Giám sát nhiễm khuẩn bệnh viện; (V) Chiến lược đa phương thức; (VI) Giám sát, đánh giá việc tuân thủ, đổi mới của tổ chức và cá nhân; (VII) Xác định khối lượng công việc, nhân sự và số giường bệnh được sử dụng và (VIII) Thiết lập môi trường bệnh viện an toàn.
Nhật Long