Phân biệt rõ tên gọi y tá và điều dưỡng
Ngày xuất bản: 02/06/2020

Theo Ths Phạm Đức Mục - Chủ tịch Hội Điều dưỡng Việt Nam, việc không phân biệt rõ tên gọi y tá và điều dưỡng trong xưng hô giao tiếp, trong lĩnh vực khám chữa bệnh và cả phương diện truyền thông sẽ gây sự mơ hồ cho người bệnh, người hành nghề, người học nghề.

Việc nhầm lẫn giữa tên gọi y tá và điều dưỡng không chỉ nhầm lẫn về mặt danh xưng mà còn gây khó khăn về mặt “cơ hội” cho những người đang hành nghề, học tập để trở thành điều dưỡng.

Theo Hội Điều dưỡng Việt Nam, điều dưỡng viên và y tá tuy mang chung một khái niệm về cùng ngành nghề, lĩnh vực hoạt động, nhưng vai trò và trách nhiệm của mỗi vị trí là khác nhau. 

Chức năng nghề nghiệp chủ yếu của y tá là thực hiện y lệnh của bác sĩ. Hệ đào tạo y tá là sơ cấp, trung cấp.

Còn điều dưỡng có chức năng phối hợp chặt chẽ với các nghề khác trong hệ thống y tế nhằm nâng cao sức khỏe, phòng bệnh, chăm sóc phục hồi chức năng cho người ốm và người khuyết tật ở mọi lứa tuổi tại các cơ sở y tế. Điều dưỡng viên cũng có chức năng chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Điều dưỡng viên phải tốt nghiệp chương trình đào tạo điều dưỡng và có chứng chỉ hành nghề do cơ quan có thẩm quyền cấp. Ở Việt Nam, điều dưỡng viên được đào tạo và thực hành ở 4 cấp độ: trung cấp (2 năm), cao đẳng (3 năm), đại học (4 năm) và sau đại học (chuyên khoa I, thạc sĩ, tiến sĩ điều dưỡng). Có những điều dưỡng của Việt Nam sau khi nghỉ hưu theo chế độ của Nhà nước đã tiếp tục học tập và được cấp bằng tiến sĩ điều dưỡng của các nước tiên tiến trong khu vực.

Điều dưỡng viên chăm sóc người bệnh. (Ảnh sưu tầm)

Theo thống kê của Hội Điều dưỡng Việt Nam, năm 2008, tỷ lệ điều dưỡng viên, hộ sinh viên/bác sỹ ở Việt Nam là 1,6, xếp hàng thấp nhất trong khu vực Đông Nam Á. Năm 2016, thống kê từ 1.304 bệnh viện trong toàn quốc, có 73.326 y bác sỹ làm công tác điều trị, 129.337 điều dưỡng, hộ sinh đang công tác tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Tỷ lệ điều dưỡng, hộ sinh/bác sỹ là 1,8. Tỷ số điều dưỡng trên 1 giường bệnh kế hoạch là 0,395 và giường bệnh thực kê là 0,304. Năm 2017, số liệu nhân lực cán bộ y tế từ 1.414 bệnh viện cho thấy, toàn quốc có 118.030 điều dưỡng, 17.456 hộ sinh; tỷ lệ điều dưỡng, hộ sinh/bác sỹ đã nhích lên con số 1,82. Năm 2020, lực lượng điều dưỡng và hộ sinh chiếm 50% tổng số cán bộ, nhân viên ngành y tế. Cả nước hiện có gần 140.000 điều dưỡng và hộ sinh, trong đó điều dưỡng viên là 107.600 người. Tỷ lệ điều dưỡng/vạn dân hiện là 11,48 và tỷ lệ hộ sinh/vạn dân là 3,13. Tuy nhiên đây vẫn là con số thấp hơn rất nhiều so với quy định và các nước trong khu vực cũng như trên thế giới.

Thực trạng chung của ngành điều dưỡng ở Việt Nam hiện nay tại các bệnh viện đang thiếu hụt nguồn nhân lực ngành điều dưỡng, mỗi điều dưỡng viên phải tham gia vào quá trình quản lý đến gần 3 giường bệnh. Bất cập xảy ra đó là các điều dưỡng viên chỉ thực hiện đầy đủ được những y lệnh điều trị và không có thời gian chăm sóc toàn diện cho từng bệnh nhân theo đúng quy trình. Một số trường hợp phải thuê những người ngoài không có chuyên môn để chăm bệnh nhân. Đáng chú ý hơn nữa, nguồn nhân lực điều dưỡng ở Việt Nam chỉ có trình độ từ trung cấp và sơ cấp, số lượng điều dưỡng viên có trình độ từ cao đẳng trở lên chỉ chiếm khoảng 4%. Việc thiếu nhân lực ngành điều dưỡng và nguồn nhân lực kém chất lượng một trong những thiếu sót làm ảnh hưởng lớn đến quá trình chăm sóc bệnh nhân. Đây cũng là một trong những nguyên nhân làm gia tăng nguy cơ rủi ro trong nghề nghiệp. 

Nhật Long

Các tin khác
Dịch vụ viêm chủng Kênh thông tin Dịch vụ khử trùng Dịch vụ xét nghiệm Quan trắc môi trường Khám sức khỏe người lao động Kiểm dịch y tế quốc tế Dịch vụ trực tuyến

                           TRUNG TÂM KIỂM SOÁT BỆNH TẬT THÀNH PHỐ HÀ NỘI

                         Địa chỉ cơ quan: - Số 70 Nguyễn Chí Thanh, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội (Trụ sở chính)

                                                      - Khu Hành chính mới, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội (Cơ sở 2)

                                                      - Số 1 Ngõ 2, đường Quang Trung, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội (Cơ sở 3)

                         Điện thoại: 02438343537           Hotline: 0866067525                Email: ttksbt_soyt@hanoi.gov.vn               

                         Ghi rõ nguồn: Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội khi phát hành lại thông tin