Sức khỏe sinh sản là gì và một số khái niệm, chỉ số, cách tính chỉ số trong lĩnh vực sức khỏe sinh sản
Cũng theo Tổ chức Y tế thế giới, sức khỏe sinh sản là trạng thái khỏe mạnh về thể chất, tinh thần và hòa hợp xã hội về tất cả các phương diện liên quan đến hệ thống sinh sản trong suốt các giai đoạn của cuộc đời.
Chăm sóc sức khỏe sinh sản là một tập hợp các phương pháp, kỹ thuật và dịch vụ nhằm giúp cho con người có tình trạng sức khỏe sinh sản khỏe mạnh thông qua việc phòng chống và giải quyết những vấn đề liên quan đến sức khỏe sinh sản. Điều này cũng bao gồm cả sức khỏe tình dục với mục đích nâng cao chất lượng cuộc sống và mối quan hệ giữa con người với con người mà không chỉ dừng lại ở chăm sóc y tế và tư vấn một cách đơn thuần cho việc sinh sản và những nhiễm trùng qua đường tình dục.
Để xác định chính xác các nội dung trong chăm sóc sức khỏe sinh sản ta cần biết các chỉ số đánh giá cụ thể trong lĩnh vực này.
I. Các dạng chỉ số.
1. Tỷ số: Là một số tương đối biểu hiện quan hệ so sánh giữa 2 bộ phận cùng một tổng thể nghiên cứu. Ở chỉ tiêu này tử số không nằm trong mẫu số. VD: tỷ số Nam/Nữ.
2. Tỷ lệ: Là một số tương đối biểu hiện sự tương quan giữa một bộ phận của tổng thể với tổng thể nghiên cứu. Ở chỉ tiêu này tử số là một phần của mẫu số.
VD: Tỷ lệ dân số dưới 5 tuổi: Tổng số dân số dưới 5 tuổi/ tổng số dân số x 1000.
Người ta thường tính tỷ lệ %, ‰ …bằng cách nhân với hằng số K. Hằng số K là 100, 1000, 100.000.
3. Tỷ suất: Là một số tương đối để đo lường tần suất xuất hiện của hiện tượng nghiên cứu trong một khoảng thời gian nhất định. Trong đó tử số là các sự kiện mới phát sinh và mẫu số là số lượng cá thể có thể phát sinh ra sự kiện đó.
Tỷ suất = Số sự kiện mới phát sinh trong khoảng thời gian xác định thuộc một khu vực/Số lượng các thể tích trung bình có khả năng phát sinh ra các sự kiện đó của khu vực trong cùng một thời gian x K.
II. Một số khái niệm
1. Phụ nữ có thai: là phụ nữ có thai trong hoặc ngoài tử cung.
2. Tuổi thai: Tính từ ngày đầu của kỳ kinh cuối cùng của thai phụ, trường hợp không nhớ ngày đầu của kỳ kinh cuối sẽ dựa trên siêu âm để ước tính.
3. Thai non tháng: Là thai từ đủ 22 tuần đến dưới 37 tuần
4. Thai đủ tháng: Là thai đủ 37 tuần tuổi đến 42 tuần
5. Thai quá ngày sinh: Là thai quá 42 tuần.
6. Thai chết trong tử cung: Là thai chết và lưu lại trong buồng tử cung của người mẹ, có thể xảy ra ở bất kỳ tuổi thai nào khi chưa có chuyển dạ.
7. Đẻ: Là việc kết thúc thai nghén, thai nhi được lấy ra khỏi cơ thể người mẹ từ đủ 22 tuần tuổi trở lên bất kể trẻ sống hay chết và cũng không cần xác định chửa trong tử cung hay ngoài tử cung.
8. Trẻ đẻ sống: Là thai nhi được lấy ra khỏi cơ thể người mẹ từ đủ 22 tuần tuổi trở lên và có bất kỳ dấu hiệu sự sống nào như dây rốn đập, tim đập… dù dây rốn đã cắt hoặc chưa cắt.
9. Trẻ đẻ chết: Là thai nhi được lấy ra khỏi cơ thể người mẹ từ đủ 22 tuần tuổi trở lên không có bất kỳ dấu hiệu sự sống nào dù dây rốn đã cắt hoặc chưa cắt.
10. Tử vong chu sinh: Là tử vong thai từ đủ 22 tuần đến 7 ngày sau sinh
11. Tử vong sơ sinh: Là trẻ đẻ ra sống và tử vong trong vòng 28 ngày sau sinh
12. Tử vong dưới 1 tuổi: Là số trẻ đẻ ra sống và tử vong đến dưới 1 tuổi
13. Tử vong trẻ dưới 5 tuổi: Là số trẻ đẻ ra sống và tử vong đến dưới 5 tuổi
14. Trẻ nhẹ cân: Là trẻ sinh ra có trọng lượng dưới 2.500g
15. Tử vong mẹ: Là số bà mẹ tử vong từ khi có thai đến 42 ngày sau đẻ (không tính tai nạn, tự tử, ngộ độc).
16. Số phụ nữ đẻ được khám thai: Là số phụ nữ đẻ được khám thai từ 1 lần trở lên
17. Số phụ nữ đẻ được khám thai từ 4 lần trở lên/3 kỳ: Là số đẻ được khám thai đủ 4 lần trong 3 kỳ (3 tháng đầu 1 lần, 3 tháng giữa 1 lần, 3 tháng cuối 2 lần ).
18. Số phụ nữ được chăm sóc sau sinh tại nhà: Là số phụ nữ sau đẻ 42 ngày được người có chuyên môn y tế đến chăm sóc tại nhà tối thiểu 1 lần.
19. Đặt dụng cụ tử cung: Là số phụ nữ được đặt dụng cụ tránh thai trong buồng tử cung.
20. Phá thai: Là phụ nữ có thai nhưng không có nhu cầu sinh nên đã thực hiện phá thai. Phá thai có thể dùng phương pháp ngoại khoa là hút thai, nạo thai, gây đẻ non; Hoặc có thể phá thai nội khoa tức là uống thuốc gây sẩy thai.
21. Tổng số cặp vợ chồng áp dụng biện pháp tránh thai hiện đại: Là tổng số các cặp vợ chồng đang thực hiện biện pháp tránh thai: đặt dụng cụ tử cung, thuốc uống tránh thai hàng ngày, thuốc tiêm tránh thai, thuốc cấy tránh thai, bao cao su, triệt sản.
22. Ba thai kỳ: Là có thai trong 3 tháng đầu gọi là thai kỳ 1, 3 tháng giữa gọi là thai kỳ 2, 3 tháng cuối gọi là thai kỳ 3.
III. Cách tính:
1. Tỷ lệ giới tính khi sinh = Tổng số trẻ trai/ Tổng số trẻ gái
2. Tỷ suất tử vong chu sinh = Tổng số tử vong chu sinh/Tổng số trẻ đẻ sống x 1.000
3. Tỷ suất tử vong sơ sinh = Tổng số tử vong sơ sinh/Tổng số trẻ đẻ ra sống x 1.000
4. Tỷ suất tử vong dưới 1 tuổi = Tổng số tử vong dưới 1 tuổi/Tổng số trẻ đẻ ra sống x 1.000
5. Tỷ suất tử vong dưới 5 tuổi = Tổng số tử vong dưới 5 tuổi/Tổng số trẻ đẻ ra sống x 1.000
6. Tỷ lệ trẻ đẻ nhẹ cân = Tổng số trẻ đẻ sống có cân nặng dưới 2.500 g/ Tổng số trẻ đẻ sống x 100.
7. Tỷ lệ tử vong mẹ/100.000 trẻ đẻ sống = Tổng số bà mẹ tử vong / Tổng số trẻ đẻ sống x 100.000.
8. Tỷ lệ phụ nữ đẻ được khám thai = Tổng số phụ nữ đẻ được khám thai/ tổng số người đẻ x 100.
9. Tỷ lệ phụ nữ đẻ được khám thai 4 lần trở lên/ 3 thai kỳ = Tổng số phụ nữ đẻ được khám thai 4 lần trở lên/ Tổng số phụ nữ đẻ x 100.
10. Tỷ lệ phụ nữ được chăm sóc sau sinh tại nhà = số phụ nữ sau sinh trong vòng 42 ngày được người có chuyên môn y tế chăm sóc tại nhà/ Tổng số người đẻ x 100.
BS Lê Huy Tuấn
(Trưởng Khoa CSSKSS – Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội)