CHẨN ĐOÁN VÀ SÀNG LỌC TRƯỚC SINH
Sàng lọc trước khi sinh là gọi chung các phương pháp thăm dò được thực hiện với thai nhi đang trong thai kỳ. Việc khám sàng lọc trước sinh này nhằm chẩn đoán xác định các dị tật bẩm sinh do rối loạn di truyền. Những rối loạn di truyền sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển và tương lai sau này khi trẻ được sinh ra. Do đó, việc xét nghiệm sàng lọc là vô cùng quan trọng, đặc biệt với những thai nhi có nguy cơ cao.
Các dị tật bẩm sinh có thể xảy ra ở bất kỳ trường hợp nào, và bất kỳ giai đoạn nào trong lúc mang thai. Nhưng đặc biệt là trong 3 tháng đầu thai kỳ khi các bộ phận cơ thể của thai nhi đang hình thành. Vì vậy nên các xét nghiệm sàng lọc trước sinh có ý nghĩa rất lớn, không chỉ phát hiện dị tật bẩm sinh mà còn giúp cải thiện sức khỏe đời sau.
Về phía các bậc cha mẹ, sàng lọc trước khi sinh là việc cần phải thực hiện để phát hiện được các bệnh lý. Điều này giúp sinh con ra khỏe mạnh. Khi phát hiện các tình trạng bất thường, Bác sỹ có thể xem xét, đưa ra tư vấn thai phụ thực hiện những xét nghiệm tiên tiến hơn để tiếp tục chẩn đoán, trước khi can thiệp điều trị.
Ngày 15/8/2023, khoa Sức khỏe sinh sản, trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội đã tổ chức tập huấn quy trình khám thai, chẩn đoán và sàng lọc trước sinh cho màng lưới chăm sóc sức khỏe sinh sản bao gồm bác sĩ chuyên khoa Sản, bác sỹ đa khoa, Hộ sinh, Y sĩ sản nhi tại Trung tâm y tế huyện Mê Linh.
Tại buổi tập huấn, BS Nguyễn Thị Linh – khoa Sức khỏe sinh sản đã cung cấp cho học viên các kiến thức về tư vấn trước khi có thai, trong thời kỳ mang thai, chăm sóc trước sinh và các yếu tố tiên lượng cuộc đẻ, và đặc biệt là các nội dung xét nghiệm sàng lọc và chẩn đoán trước sinh.
Bác sĩ Nguyễn Thị Linh cung cấp kiến thức về quy trình khám thai cho học viên
Khoa Sức khỏe sinh sản