Hưởng ứng Thánh hành động quốc gia về phòng chống HIV/AIDS (10/11-10/12/2024) và kỷ niệm Ngày Thế giới phòng chống AIDS 1/12, thời gian qua, Hà Nội luôn nỗ lực trong công tác phòng, chống HIV/AIDS và đạt được một số thành tựu.
Điều trị dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP) được triển khai từ năm 2018, đến nay duy trì điều trị tại 13 cơ sở điều trị.
Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội Bùi Văn Hào cho biết, từ khi phát hiện ca nhiễm HIV đầu tiên năm 1991, đến nay Hà Nội đã có 33 năm ứng phó với dịch HIV/AIDS. Tính đến hiện tại, lũy tích số trường hợp nhiễm HIV/AIDS trên địa bàn thành phố Hà Nội là 22.568 trường hợp, trong đó có 7.635 trường hợp tử vong và 14.933 trường hợp còn sống. Số trường hợp nhiễm HIV còn sống của Hà Nội chiếm 5,5% tổng số trường hợp nhiễm HIV còn sống của cả nước, 100% quận/huyện thành phố Hà Nội đều có người nhiễm HIV.
Hà Nội luôn nỗ lực trong công tác phòng, chống HIV/AIDS và đạt được các thành tựu như đã có hệ thống tổ chức phòng, chống HIV/AIDS chặt chẽ từ thành phố đến quận, huyện; xã, phường với sự vào cuộc của các cấp các ngành; việc cung cấp các dịch vụ về phòng, chống HIV/AIDS liên tục được cập nhật, đổi mới, áp dụng các sáng kiến, thành tựu khoa học và khuyến cáo mới nhất của các tổ chức quốc tế giúp mở rộng về độ bao phủ và tăng cường về chất lượng các dịch vụ. Chương trình can thiệp dự phòng lây nhiễm HIV tại Thành phố đã được triển khai đồng bộ, tập trung vào nhóm nguy cơ cao lây nhiễm HIV (người sử dụng ma túy, người mại dâm, người quan hệ tình dục đồng giới, chuyển giới…). Chương trình cấp phát bơm kim tiêm, bao cao su, chất bôi trơn, đã bao phủ 30/30 quận, huyện, thị xã; 80% người có nguy cơ cao nhiễm HIV (nghiện ma túy, người mại dâm, nam quan hệ tình dục đồng giới) đã được tiếp cận và nhận dịch vụ. Điều trị Methadone được triển khai năm 2009 với một cơ sở điều trị tại Nam Từ Liêm, đến tháng 10 năm 2024 đã có 23 cơ sở trên toàn thành phố, điều trị cho 4.807 bệnh nhân theo đúng quy định của Bộ Y tế. Điều trị dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP) là một đột phá mới trong công tác dự phòng lây nhiễm HIV được triển khai từ năm 2018, đến nay duy trì điều trị tại 13 cơ sở điều trị (6 cơ sở điều trị tư nhân và 7 cơ sở điều trị công lập). Số khách hàng sử dụng ít nhật 1 lần dịch vụ PrEP trong 9 tháng đầu năm 2024 là 8.861 người...
Cùng với đó, việc xét nghiệm HIV ngày càng được cải tiến về kỹ thuật và mở rộng quy mô, kỹ thuật xét nghiệm phát hiện nhiễm mới đã được triển khai 2 năm gần đây. Về hình thức, ngoài xét nghiệm truyền thống (khách hàng tự đến phòng tư vấn xét nghiệm) thì nay đã mở rộng các hình thức tiếp cận, xét nghiệm khác như xét nghiệm tại cộng đồng và tự xét nghiệm, tiếp cận online đối với các đối tượng nguy cơ cao qua các trang mạng xã hội. Những năm gần đây, Hà Nội mỗi năm xét nghiệm cho khoảng 300.000 - 400.000 lượt khách hàng nhằm phát hiện sớm người nhiễm HIV để đưa vào điều trị góp phần nâng cao chất lượng chương trình.
Chương trình điều trị ARV được triển khai từ năm 2000 tại Bệnh viện đa khoa Đống Đa cho 50 bệnh nhân, đến nay đã có 23 cơ sở điều trị ARV cho 13.493 bệnh nhân. Đặc biệt có 98% bệnh nhân điều trị ARV được làm xét nghiệm tải lượng vi rút HIV, 99,2% có tải lượng vi rút dưới ngưỡng ức chế, họ hoàn toàn khỏe mạnh bình thường và không lây nhiễm cho người khác qua tình dục, giảm đáng kể tình trạng mẹ truyền HIV cho con. Số nhiễm mới, tử vong đã giảm đáng kể.
Không chỉ vậy, những năm qua, Hà Nội đã triển khai các mô hình cung cấp dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS đa dạng và linh hoạt. Ngoài các cơ sở cung cấp dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS công lập và tư nhân, đã có các mô hình cung cấp dịch vụ lưu động và tiếp cận cộng đồng, giúp mang dịch vụ đến gần hơn với các nhóm nguy cơ cao. Hà Nội cũng đã tăng cường đào tạo và nâng cao năng lực cho đội ngũ nhân viên y tế trong làm việc với các nhóm nguy cơ cao. Các khóa đào tạo chuyên sâu về HIV/AIDS và các kỹ năng tiếp cận, tư vấn cho các nhóm đặc thù này đã giúp cải thiện chất lượng dịch vụ và giảm thiểu kỳ thị từ phía nhân viên y tế.
Tuy nhiên, một số rào cản vẫn đang tồn tại trong việc tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS. Nhóm thanh thiếu niên, nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM), và những người dễ bị tổn thương khác vẫn khó tiếp cận các dịch vụ do sự kỳ thị, phân biệt đối xử, và hạn chế về tài chính. Bên cạnh đó, phụ thuộc vào viện trợ quốc tế vẫn chiếm tỷ trọng lớn, đặc biệt trong các chương trình điều trị dự phòng. Các vấn đề này gây trở ngại cho mục tiêu giảm thiểu sự lây lan HIV và đảm bảo chăm sóc cho mọi người dân.
Phát huy những thành tựu đã đạt được, hướng tới mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030, thời gian tới, Hà Nội tăng cường sự quan tâm của các nhà lãnh đạo, các nhà hoạch định chính sách cùng toàn xã hội đến công tác phòng, chống HIV/AIDS; đẩy mạnh cung cấp các dịch vụ toàn diện về phòng, chống HIV/AIDS: dự phòng lây nhiễm HIV, xét nghiệm phát hiện HIV, điều trị sớm HIV/AIDS và đảm bảo việc tham gia bảo hiểm y tế của người nhiễm HIV hướng tới tăng tiếp cận dịch vụ về phòng, chống HIV/AIDS cho người dân; giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV, người bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS và người có hành vi nguy cơ cao lây nhiễm HIV; tăng cường sự hỗ trợ của gia đình, xã hội với người nhiễm HIV, tạo điều kiện để người nhiễm HIV và thành viên gia đình họ tham gia các hoạt động xã hội, đặc biệt là các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS.
Đức Vân