Hội nghị đã được nghe TS Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội đã giới thiệu về Trung tâm, với phương châm “dự phòng tích cực và chủ động”, trong những năm qua, công tác Y tế Dự phòng thủ đô đã có nhiều đóng góp quan trọng trong sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân. Trong suốt hơn 50 năm hình thành và phát triển, Y tế Dự phòng Thủ đô đã đạt được các thành tựu nổi bật đó là triển khai có hiệu quả công tác phòng chống dịch bệnh và các chương trình Y tế mục tiêu Quốc gia và Thành phố, giúp khống chế nhiều dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm và tiến tới thanh toán một số bệnh, cùng với cả nước đã thanh toán được bệnh bại liệt năm 2000, loại trừ uốn ván sơ sinh năm 2005. Công tác phòng chống các bệnh không lây và dinh dưỡng cũng đã được đẩy mạnh cùng với việc từng bước xây dựng mạng lưới Y tế Dự phòng thủ đô theo hướng chuyên nghiệp, đạt hiệu quả cao trong nhiều hoạt động như công tác vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm dịch y tế quốc tế, sức khỏe môi trường, sức khỏe trường học, sức khỏe nghề nghiệp, phòng chống tai nạn thương tích… nhằm hướng tới một cộng đồng khỏe mạnh, an toàn và bền vững. Để đáp ứng được với đòi hỏi ngày càng cao trong công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân, tới năm 2025 Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội phấn đấu phát triển thành Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) hoạt động theo hướng chuyên nghiệp. Để thực hiện được những giải pháp trên, Trung tâm cần tiếp tục nhận được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Ủy Ban Nhân dân Thành phố, Sở Y tế, sự chỉ đạo và hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật từ Bộ Y tế, các Viện đầu ngành, sự phối hợp của các cơ quan, đơn vị trong và ngoài ngành trên toàn quốc.
Trong số hơn 30 đề tài nghiên cứu khoa học thuộc lĩnh vực Y tế Dự phòng thực hiện trên địa bàn thành phố Hà Nội đăng ký tham dự hội nghị, hội đồng khoa học đã chọn ra 21 nghiên cứu xuất sắc đăng tải trên Tạp chí Y học Dự phòng số đặc biệt xuất bản tháng 3/2016. Trong đó, có 4 nghiên cứu đã được chọn để báo cáo dưới dạng toàn văn, 16 báo cáo dạng poster, ngoài ra còn có hai báo cáo của chuyên gia Quốc tế đến từ trường Đại học Y Oita Nhật Bản và Viện nghiên cứu các bệnh truyền nhiễm Nhật Bản. Hội nghị đã có phần thảo luận rất sôi nổi với sự tham dự của các đại biểu đến từ Cục Y tế Dự phòng Bộ Y tế, các Viện đầu ngành, Trung tâm Y tế Dự phòng, Trung tâm y tế quân/huyện, các bệnh viện, các đơn vị làm công tác y tế dự phòng, các cơ quan quốc tế đóng trên địa bàn Tp Hà Nội như WHO, FAO, CDC, và các chuyên gia đến từ Nhật Bản. Qua đó các nhà khoa học đã có cơ hội câp nhật, chia sẻ kết quả nghiên cứu và thông tin về: Chức năng, nhiệm vụ công tác y tế dự phòng, tầm nhìn tới năm 2025; Nguyên tắc và kinh nghiệm kiểm soát bệnh lây truyền từ động vật sang người; Phát triển các kỹ thuật và sinh phẩm chẩn đoán nhanh, hiệu quả, phù hợp áp dụng tại tuyến dưới nhằm phục vụ công tác y tế dự phòng, đặc biệt là công tác phát hiện sớm, đáp ứng nhanh phòng chống các bệnh truyền nhiễm; Dịch tễ học một số bệnh chủ yếu lưu hành tại Hà Nội như sốt xuất huyết, tay chân miệng; Tình trạng tiêm chủng và một số yếu tố liên quan ảnh hướng tới tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ ở các đối tượng tiêm chủng; Tình trạng một số bệnh không lây nhiễm và một số yếu tố liên quan trên địa bàn Hà Nội giúp cho việc hoạch định chiến lược, đề xuất các biện pháp can thiệp phòng chống bệnh không lây nhiễm hiệu quả trên địa bàn thành phố; Vai trò và thực trạng hoạt động truyền thông trong công tác y tế dự phòng; Và một phần quan trọng là thực trạng thực thi pháp luật và hiệu quả can thiệp thực thi pháp luật trong công tác Y tế Dự phòng. Những kết quả nghiên cứu, kinh nghiệm được chia sẻ trong Hội nghị Khoa học sẽ có ích cho công tác nghiên cứu và hoạt động Y tế Dự phòng nói chung và trên địa bàn thành phố Hà Nội nói riêng trong thời gian tới. Hy vọng rằng các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực Y tế Dự phòng sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm, chỉ đạo, hỗ trợ của Bộ Y tế, cục Y tế Dự phòng, UBND thành phố Hà Nội, Sở Y tế, các viện đầu ngành, các tổ chức trong và ngoài nước để có thể tổ chức Hội nghị khoa học Y tế dự phòng Hà Nội một cách thường niên.
Duy Tuân