Từ đầu năm đến nay, cả nước có gần 91.000 người mắc bệnh TCM. Số người mắc bệnh chủ yếu ở khu vực miền nam (chiếm 78,9%), trong đó, 46% trường hợp nhập viện, 6 người tử vong; so với cùng kỳ năm 2017, số người mắc trên cả nước tăng 1,4%, số người nhập viện tăng 3,3%. Ðối với bệnh sốt xuất huyết, cả nước có gần 83.000 người mắc, trong đó có 12 trường hợp tử vong; so với cùng thời điểm năm 2017, số người mắc giảm 47,6%, số trường hợp tử vong giảm 67% (giảm 23 người). Ðáng chú ý, đến nay số người sốt phát ban nghi sởi có gần 4.000 người, chủ yếu tại khu vực miền bắc (chiếm 73,1%), trong đó, 1.093 người mắc sởi dương tính và 1 người tử vong; so với cùng kỳ năm 2017, số người mắc sốt phát ban tăng 12 lần. Trong số các trường hợp mắc bệnh, có đến 45% chưa tiêm chủng và 42% không rõ tiền sử tiêm chủng, chỉ có 13% số trẻ đã được tiêm chủng.
Người dân cần chủ động phối với ngành Y tế trong công tác phòng chống dịch
PGS.TS Nguyễn Nhật Cảm - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội cho biết, hiện các bệnh dịch lưu hành ở nước ta như sốt xuất huyết, TCM, sởi tiếp tục ghi nhận và số người mắc tiếp tục có chiều hướng gia tăng tại nhiều địa phương. Tại Hà Nội, dịch bệnh sốt xuất huyết giảm nhiều so với cùng kỳ năm trước, nhưng thời gian gần đây, có sự gia tăng số người mắc bệnh TCM và sởi. Từ đầu năm đến nay, toàn thành phố có 409 người mắc sởi (tăng 125 người so với cùng kỳ năm 2017) và 1.742 người mắc TCM (tăng gấp hai lần so với cùng kỳ năm 2017). Tuy nhiên, chưa có trường hợp tử vong và chưa xảy ra ổ dịch lớn.
Nguyên nhân làm gia tăng các trường hợp mắc bệnh nêu trên theo các chuyên gia trong lĩnh vực y tế dự phòng cho rằng, đó là do biến đổi khí hậu, tốc độ đô thị hóa nhanh, mật độ dân số cao, dân di biến động rộng. Bên cạnh đó, công tác phòng, chống dịch bệnh còn nhiều khó khăn do các bệnh sốt xuất huyết, TCM chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vắc xin phòng bệnh, hoạt động phòng, chống dịch bệnh chủ yếu dựa vào sự tham gia của cộng đồng, ý thức tự phòng bệnh của người dân chưa cao. Ngoài ra, việc quản lý đối tượng tiêm chủng chưa hiệu quả do biến động dân cư. Một số địa phương chưa thật sự vào cuộc quyết liệt; một bộ phận người dân chưa hợp tác với chính quyền và ngành y tế trong công tác phòng, chống dịch, chưa chủ động thực hiện các biện pháp vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, loại trừ các ổ bọ gậy; chưa đưa trẻ đi tiêm chủng theo đúng hướng dẫn của ngành y tế…
Sắp tới mùa đông xuân, đây là thời điểm thuận lợi cho dịch bệnh phát triển. Do vậy, để chủ động phòng, chống dịch bệnh, Bộ Y tế đã yêu cầu ngành y tế các địa phương tập trung công tác giám sát, phát hiện sớm, xử lý các ổ dịch; nâng cao vai trò, trách nhiệm của chính quyền cơ sở, nhất là huy động sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể vận động người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh.
Đồng thời, đẩy mạnh công tác tiêm chủng mở rộng, bảo đảm trẻ được tiêm sởi đúng lịch, đủ mũi, đạt tỷ lệ ít nhất 95% quy mô xã, phường; thực hiện tốt chiến dịch tiêm bổ sung vắc xin phòng bệnh sởi - rubella cho trẻ từ 1-5 tuổi tại 57 tỉnh, thành phố theo kế hoạch đã được Bộ Y tế phê duyệt. Tổ chức giám sát chặt chẽ tình hình bệnh tại cộng đồng và các cơ sở y tế; phát hiện sớm, lấy mẫu xét nghiệm, tổ chức cách ly các trường hợp mắc bệnh, xác định các khu vực có nguy cơ lây nhiễm bệnh, đối tượng có nguy cơ cao để khoanh vùng, xử lý triệt để ổ dịch. Các cơ sở khám, chữa bệnh tăng cường chất lượng chẩn đoán, điều trị kịp thời để hạn chế thấp nhất số người tử vong vì bệnh dịch; thường xuyên cập nhật diễn biến mô hình bệnh tật để phục vụ công tác chẩn đoán, điều trị tại cơ sở, bảo đảm không để xảy ra tình trạng thiếu thuốc cho công tác chữa bệnh, phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn.
Đặc biệt, người dân cần thực hiện đầy đủ và nghiêm túc các nội dung khuyến cáo về phòng, chống dịch bệnh như: thường xuyên rửa tay với xà phòng, thực hiện tốt vệ sinh ăn uống. Hàng tuần, thực hiện các biện pháp diệt bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn, loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên. Chủ động đưa trẻ từ 9 tháng tuổi chưa tiêm vắc xin sởi, từ 18 tháng tuổi chưa tiêm đủ hai mũi vắc xin sởi đến trạm y tế xã, phường để tiêm vắc xin phòng bệnh sởi. Khi phát hiện trẻ có các dấu hiệu sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban, cần sớm đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để thăm khám, điều trị, phòng các biến chứng và diễn biến nặng của bệnh.
Duy Tuân (Theo Sở Y tế Hà Nội)