Xã Thụy An huyện Ba Vì nỗ lực thực hiện các tiêu chí cộng đồng an toàn theo tiêu chuẩn Việt Nam
Tại trạm y tế đã có góc truyền thông, biểu đồ nguy cơ TNTT cảnh báo cho người dân
Nhằm huy động sự tham gia vào cuộc của cả hệ thống chính trị, của cả cộng đồng chung tay XDCĐAT, xã Thụy An đã tăng cường hoạt động thông tin, tuyên truyền, giáo dục, đa dạng hóa các hình thức truyền thông, đặc biệt là truyền thông trực tiếp, chú trọng các nội dung tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng. Điển hình như xã đã phối hợp với Trung tâm y tế huyện Ba Vì tổ chức 6 buổi truyền thông trực tiếp cho đại diện các hộ gia đình về xây dựng ngôi nhà an toàn, PCTNTT thường gặp trong sinh hoạt, lao động, sản xuất; tổ chức 6 lớp truyền thông PCTNTT cho học sinh tại 2 trường tiểu học và trung học cơ sở trên địa bàn với 100% học sinh tham dự tuyên truyền về các biện pháp PCTNTT có thể xảy ra khi chơi ở sân chơi dễ trơn trượt, đảm bảo an toàn hệ thống điện, các sự cố có thể xảy ra khi tham gia thể dục, thể thao…; phối hợp với Hội Nông dân huyện tổ chức lớp tập huấn an toàn vệ sinh lao động trong sản xuất nông nghiệp cho hội viên hội nông dân; xã Thụy An đã phát 1.200 tờ rơi, treo 14 pa nô, áp phích, biển cảnh báo đuối nước tại các khu vực đông dân cư, nhà văn hóa thôn, trường học, trạm y tế, nơi có nguy cơ như chợ, ao hồ...
Tại các trường học trên địa bàn xã Thụy An đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, PCTNTT
Chính vì vậy, các hộ gia đình đã thực hiện tốt các tiêu chí như đảm bảo an toàn xung quanh ngôi nhà, an toàn về điện, an toàn về cháy nổ cũng như các đồ dùng trong gia đình, các vật sắc nhọn phải để xa tầm tay trẻ em… Kết quả, năm 2017 đã có 1.808/2137 hộ gia đình đạt các tiêu chí ngôi nhà an toàn chiếm 84,6%; cả 3 trường học trên địa bàn là Trường THCS, Trường Tiêu học và Trường Mầm non Thụy An đều đạt các tiêu chí là trường học an toàn.
Bên cạnh đó, để cảnh báo các điểm nguy cơ cao, Ban chỉ đạo PCTNTT – XDCĐAT của xã Thụy An đã lập bản đồ theo dõi nguy cơ TNTT theo từng năm làm căn cứ để xây dựng các giải pháp can thiệp, dần dần giảm các nguy cơ về TNTT trên địa bàn. Nhờ vậy, tình hình TNTT xã Thụy An giảm qua các năm. Nếu như năm 2015 toàn xã ghi nhận 72 trường hợp mắc TNTT thì đến năm 2017 chỉ ghi nhận 48 trường hợp mắc TNTT.
Để đáp ứng nhu cầu sơ cấp cứu kịp thời các trường hợp TNTT, Trạm Y tế xã Thụy An đã trang bị các thiết bị cần thiết đảm bảo cho công tác cấp cứu. Đồng thời, các cán bộ y tế và cộng tác viên đã tham gia đầy đủ các lớp tập huấn nâng cao kiến thức PCTNTT và các biện pháp xử lý, cách sơ cấp cứu TNTT do TTYT huyện Ba Vì tổ chức. Chính vì vậy, cán bộ y tế trạm đã nắm vững kiến thức và trực tiếp tư vấn PCTNTT cho bệnh nhân, người nhà bệnh nhân khi đến trạm khám chữa bệnh. Các cộng tác viên sẵn sàng tư vấn, sơ cấp cứu ban đầu cho người dân khi bị tai nạn tại cộng đồng. Tại trạm y tế cũng đã có góc truyền thông, biểu đồ nguy cơ TNTT tăng cường tuyên truyền cho người dân chủ động PCTNTT khi đến khám chữa bệnh tại trạm.
Các hộ gia đình xã Thụy An huyện Ba Vì đã được tuyên truyền và tích cực tham gia PCTNTT – XDCĐAT
Với những kết quả đã đạt được, Ban chỉ đạo PCTNTT – XDCĐAT thành phố Hà Nội đã đánh giá cao những nỗ lực của xã Thụy An trong công tác PCTNTT – XDCĐAT. Đặc biệt, qua thẩm định thực tế, đoàn thẩm định của Ban chỉ đạo PCTNTT - XDCĐAT thành phố đã đề nghị UBND huyện Ba Vì xem xét ra quyết định công nhận cộng đồng an toàn theo tiêu chuẩn Việt Nam cho xã Thụy An.
Để đảm bảo an toàn cho người dân cũng như thực hiện tốt các biện pháp PCTNTT – XDCĐAT, thời gian tới, xã Thụy An huyện Ba Vì tiếp tục tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân trong PCTNTT – XDCĐAT để người dân tự giác, tích cực hơn nữa tham gia vào các hoạt động PCTNTT, thực hiện tốt các tiêu chí cộng đồng an toàn theo tiêu chuẩn Việt Nam, đảm bảo an toàn cho người dân, góp phần ổn định văn hóa, xã hội, phát triển kinh tế của Thụy An nói riêng và huyện Ba Vì nói chung.
Duy Tuân (Theo Sở Y tế Hà Nội)