Hà Nội tiếp tục tiêm vắc xin phòng bệnh sởi – rubella và phòng chống sốt xuất huyết
Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, từ đầu năm 2019 đến ngày 10/3, một số dịch bệnh trên địa bàn thành phố như: sởi, tay chân miệng, sốt xuất huyết, ho gà có số mắc tăng so với cùng kỳ năm 2018. Tính đến ngày 10/3, thành phố đã ghi nhận 412 ca mắc sởi, phân bố tại 29/30 quận, huyện, thị xã và 183/584 xã, phường, thị trấn. Số ca mắc sởi tập trung chủ yếu ở khu vực nội thành (chiếm 73%). Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân sởi như: Hoàng Mai, Thanh Xuân, Nam Từ Liêm, Hà Đông, Ba Đình. Điều đáng nói là 92% bệnh nhân mắc sởi chưa được tiêm chủng hoặc tiêm chủng không đầy đủ hoặc không rõ tiền sử tiêm chủng do mất sổ tiêm chủng.
PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế phát biểu tại hội nghị
Hà Nội cũng đã ghi nhận 127 ca mắc tay chân miệng tại 26 quận, huyện; ghi nhận 139 ca sốt xuất huyết tại 26/30 quận, huyện, thị xã, đồng thời ghi nhận 40 ca ho gà tại 21 quận, huyện. Tuy nhiên, Hà Nội chưa để xảy ra trường hợp tử vong do các dịch bệnh trên.
Sởi, sốt xuất huyết, tay chân miệng gia tăng thời gian qua do khí hậu thời tiết thuận lợi cho vi rút và muỗi truyền bệnh tồn tại và phát triển. Cụ thể, hiện tượng El Nino, nhiệt độ trung bình từ tháng 2 và dự báo đến tháng 6/2019 trên phạm vi toàn quốc phổ biến ở mức cao hơn trung bình nhiều năm, xuất hiện nhiều ngày mưa nhỏ, mưa phùn... đây là điều kiện thuận lợi cho nhiều dịch bệnh gia tăng. Thêm vào đó, sự e ngại sử dụng vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng của các bậc phụ huynh, trong khi các loại vắc xin dịch vụ đang bị thiếu hụt tại một số nơi dẫn đến tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch còn thấp.
Bên cạnh đó, số trẻ từ 1-5 tuổi trên địa bàn thành phố cần tiêm bổ sung vắc xin sởi - rubella là hơn 607 nghìn trẻ. Tính đến ngày 8/3, chiến dịch đã tiêm bổ sung cho hơn 588 nghìn trẻ (đạt tỷ lệ hơn 96%). Hiện còn duy nhất quận Đống Đa mới đạt tỷ lệ tiêm 80%, chưa đạt mục tiêu của chiến dịch. Thời gian tới tiếp tục tổ chức tiêm vét bổ sung vắc xin sởi - rubella tại 12/21 phường có tỷ lệ tiêm thấp (dưới 95%) của quận Đống Đa.
Theo PGS.TS Nguyễn Nhật Cảm, vắc xin là vũ khí hiệu quả phòng chống 10 loại bệnh. Nhưng hiện nay, tỷ lệ tiêm chủng một số loại vắc xin rất thấp. Chẳng hạn như tỷ lệ tiêm vắc xin "5 trong 1" ComBe Five mới, chỉ đạt 51,5% số đối tượng cần tiêm. Nếu tỷ lệ tiêm thấp, không chỉ có sởi mà trong tương lai, một số dịch bệnh đã khống chế như bại liệt, sẽ có nguy cơ quay trở lại. Thực tế hiện nay, nhiều gia đình ở thành phố có điều kiện kinh tế thường tìm đến tiêm chủng dịch vụ. Thậm chí, nhiều phụ huynh chờ vắc xin dịch vụ, dẫn đến khoảng trống tiêm phòng. Hơn nữa, có cơ sở tiêm dịch vụ tiêm cho 1.000 trẻ nhưng chỉ báo cáo tiền sử tiêm chủng của 200-300 trẻ, vì vậy, công tác quản lý đối tượng tiêm chủng gặp nhiều khó khăn. Do đó, tới đây, nếu các cơ sở tiêm chủng dịch vụ không thực hiện thống kê đầy đủ số lượng trẻ tiêm chủng thì sẽ bị thanh tra, nếu phát hiện vi phạm sẽ xử phạt.
Hà Nội phấn đấu khống chế dịch bệnh sởi trong quý II/2019; giảm dần số ca mắc sởi. Để thực hiện mục tiêu này, vấn đề quan trọng nhất hiện nay là triển khai tốt công tác tiêm phòng. Vì vậy, các quận, huyện có tỷ lệ tiêm chủng thấp cần phải rà soát đối tượng trẻ trong độ tuổi tiêm chủng; đồng thời, cần có sự tham gia phối hợp của đội ngũ cộng tác viên dân số cùng vào cuộc, rà soát lập danh sách cụ thể trẻ cần tiêm chủng theo hộ gia đình.
Đồng thời, đối với việc phòng chống dịch bệnh, Hà Nội cũng sẽ tăng cường giám sát phát hiện ca bệnh, kiểm soát chặt chẽ, phát hiện sớm từ các trường hợp dịch bệnh trên địa bàn; tổ chức cách ly, khoanh vùng, xử lý triệt để ổ dịch; cách ly trường hợp bệnh; rà soát tiền sử tiêm chủng các đối tượng xung quanh, tổ chức tiêm vét với tiêm chủng mở rộng, khuyến cáo tiêm chủng dịch vụ với trẻ trên 5 tuổi; ra quân xử lí môi trường, phòng dịch như mở cửa thông thoáng, lau chùi bằng chất tẩy rửa thông thường... Thực hiện tổ chức tiêm chủng tốt, đảm bảo an toàn trong tiêm chủng, tăng cường theo dõi trước, trong và sau tiêm; khuyến cáo và tổ chức tiêm vắc xin dịch vụ cho trẻ trên 5 tuổi và người dân, phụ nữ trong tuổi sinh đẻ và có con trên 9 tháng tuổi.
Tham dự tại hội nghị, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho rằng, số ca mắc sởi trên địa bàn Hà Nội nằm rải rác, không bùng phát tập trung. Kết quả này nhờ vào việc triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh có hiệu quả. Tuy nhiên, Hà Nội là địa bàn tập trung đông dân cư, do vậy, công tác phòng chống dịch bệnh, nhất là bệnh sởi và sốt xuất huyết cần tiếp tục phải tăng cường trong thời gian tới.
Duy Tuân