Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, năm nay mặc dù không phải năm dự báo có dịch lớn nhưng nguy cơ mắc SXH vẫn rất cao do khí hậu thời tiết thuận lợi cho vi rút và muỗi truyền bệnh tồn tại và phát triển. Cụ thể, hiện tượng El Nino, nhiệt độ trung bình từ tháng 2 và dự báo đến tháng 6/2019 trên phạm vi toàn quốc phổ biến ở mức cao hơn trung bình nhiều năm, xuất hiện nhiều ngày mưa nhỏ, mưa phùn... Tỷ lệ mắc SXH cao sẽ tập trung ở các khu vực mật độ dân cư đông, các khu lao động, khu công nhân và sinh viên thuê trọ. Vì vậy, phòng chống sốt xuất huyết vẫn là một trong những nhiệm vụ quan trọng tại các địa phương.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội kiểm tra công tác phòng chống SXH trên địa bàn quận Cấu Giấy
Để chủ động phòng chống dịch bệnh nói chung và phòng chống SXH nói riêng, ngay từ cuối tháng 12/2018, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội đã tham mưu cho Sở Y tế và UBND thành phố ban hành kế hoạch phòng chống dịch bệnh trên địa bàn thành phố Hà Nội với các tình huống cụ thể. Đồng thời, trung tâm đã rà soát bổ sung đầy đủ các trang thiết bị, máy móc và hóa chất đáp ứng cho công tác phòng chống dịch bệnh, trong đó có bệnh SXH.
Bên cạnh đó, những ngày qua, nhiều địa phương đã triển khai quyết liệt công tác phòng chống SXH trên địa bàn. Thanh Xuân là quận nội thành có mật độ dân cư đông, di biến động dân cư lớn, có nhiều người dân từ nơi khác về cư trú, thuê trọ, làm ăn sinh sống, điều kiện sống không ổn định dẫn đến tình trạng vệ sinh môi trường phức tạp, vì vậy, việc phòng bệnh tại đây được chú trọng. Theo đó, 72/72 trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn quận đã được phun hóa chất, lau chùi, khử khuẩn bằng Cloramin B; 13/53 ổ dịch SXH cũ năm 2018 đã được giám sát. Công tác chuẩn bị, sẵn sàng phòng chống dịch bệnh luôn đảm bảo về nhân lực, trang thiết bị, hóa chất, bảo hộ, dụng cụ, phương tiện và các trang thiết bị phòng, chống dịch để ứng phó kịp thời khi có dịch bệnh xảy ra.
Tại quận Hai Bà Trưng, trung tâm y tế quận đã phối hợp với các với phường tổ chức triển khai chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy phòng chống SXH. Nhiều phường trên địa bàn đã tiến hành phun hóa chất diệt muỗi; điển hình như tại phường Đồng Nhân, việc phun hóa chất diệt muỗi tại các khu vực trọng điểm như ký túc xá Đại học Dược Hà Nội, trường Trung học cơ sở Trưng Nhị, trường Mầm non chất lượng cao Việt-Bun, khu đất trống, nhà vệ sinh công cộng... đã được thực hiện.
Cũng như các địa phương, huyện Sóc Sơn cũng tập trung cao cho công tác phòng chống SXH. Trung tâm y tế huyện đã tham mưu cho UBND huyện xây dựng kế hoạch và triển khai kế hoạch phòng chống dịch, phòng chống SXH đến cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường học và UBND các xã triển khai tốt công tác phòng chống dịch; đồng thời chú trọng đến công tác tuyên truyền, tổ chức tuyên truyền đến tận nhà dân để người dân tự giác thực hiện vệ sinh môi trường thu gom xử lý các dụng cụ chứa nước diệt bọ gậy. Trung tâm y tế huyện thành lập đoàn kiểm tra tất cả các ổ dịch cũ và các điểm nguy cơ như các công trình xây dựng, khu công cộng, khu nhà trọ... nhằm đánh giá yếu tố nguy cơ, tiến hành phun xử lý môi trường diệt muỗi trưởng thành. Bên cạnh đó, 26 xã, thị trấn trên địa bàn huyện hằng tuần tổ chức vệ sinh môi trường phòng chống dịch, diệt bọ gậy phòng chống SXH vào ngày cuối tuần. Đặc biệt, tại các xã có nguy cơ cao như Bắc Sơn, Nam Sơn, Hồng Kỳ, Mai Đình, Quang Tiến..., ngoài việc vệ sinh môi trường diệt bọ gậy còn phun hóa chất diệt muỗi trưởng thành.
Tuy nhiên, bên cạnh sự vào cuộc tịch cực của chính quyền, các cấp ủy đảng thì sự vào cuộc của người dân trong việc bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình là điều quan trọng. Vì vậy, các địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của mỗi người dân, để từ đó, người dân phối hợp cùng với y tế chủ động thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch bệnh để nâng cao sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng.
Duy Tuân