Cụ thể, Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ đã thành lập văn phòng đặc nhiệm chuyên truy xuất nguồn gốc và lịch trình đi lại của hành khách. Với chuyến bay VN0054 cần thời gian 4 ngày để kiểm soát được tất cả hành khách thì đến chuyến bay sau, hoạt động truy xuất nguồn gốc và lịch trình đi lại của hành khách chỉ mất hai ngày và hiện nay mất 1/2 ngày để biết hành khách đang ở đâu. Hiện tại, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam giao cho Bộ Khoa học và Công nghệ phấn đấu việc truy xuất này dưới 30 phút. Đồng thời, Bộ Y tế tiếp tục làm việc với các hãng hàng không, đề nghị các chuyến bay khi đến Việt Nam ngoài kiểm dịch y tế phải khai tờ khai điện tử và khai ngay trên máy bay nhằm tránh gây ùn ứ, hạn chế việc lãng phí thời gian chờ đợi của hành khách.
Ngày 10/3, ứng dụng khai báo y tế toàn dân NCOVI do Bộ Thông tin - truyền thông và Bộ Y tế công bố đã xuất hiện trên cửa hàng ứng dụng Google Play. Việc sử dụng ứng dụng NCOVI để khai báo thông tin y tế, tình trạng sức khỏe cá nhân là không bắt buộc, nhưng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch, Bộ Y tế khuyến khích người dân tự nguyện khai báo, cung cấp thông tin để phục vụ cho công tác phòng chống dịch. Ứng dụng có mục tiêu đáp ứng được khoảng 30 triệu người dân cài đặt và sử dụng ứng dụng, cho phép người dân khai báo thông tin sức khỏe của bản thân và gia đình mọi lúc, mọi nơi hoặc phản ánh thông tin dịch bệnh, đối tượng nghi ngờ nhiễm bệnh xung quanh khu vực mình sinh sống. Qua ứng dụng này, người dân được tiếp cận thông tin về dịch bệnh nhanh chóng, biết được khu vực nào có dịch, khu vực nào an toàn và xác định được bản thân có nguy cơ lây nhiễm hay không. Đồng thời, người dân được hướng dẫn cách phòng tránh dịch, cập nhật thống kê và thông tin dịch bệnh liên tục, được hỗ trợ y tế kịp thời khi gặp các dấu hiệu bất thường về sức khỏe.
Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 quốc gia cũng yêu cầu các cơ sở du lịch, lưu trú phải có tài khoản kiểm soát hành khách. Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, trước đây, dùng biện pháp truyền thống là gửi văn bản xuống từng địa phương. Hiện nay, dùng khoa học công nghệ để truy xét, tìm kiếm nguồn gốc này. Thứ trưởng Bộ Y tế cũng đề nghị các địa phương cùng nhau chia sẻ, tập huấn sử dụng các ứng dụng công nghệ mới để quản lý được những người có nguy cơ, tiến hành khoanh vùng, cách ly triệt để để tránh dịch lây lan trong cộng đồng.
Hội chẩn chuyên môn trực tuyến cho bệnh nhân mắc Covid-19 tại điểm cầu Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương
Đối với công tác điều trị, Bộ Y tế đã đưa Trung tâm quản lý, điều hành trực tuyến hỗ trợ chuyên môn chẩn đoán, điều trị Covid-19 vào hoạt động. Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, việc thành lập Trung tâm quản lý, điều hành trực tuyến hỗ trợ chuyên môn chẩn đoán, điều trị Covid-19 được đặt tại Bộ Y tế đã kết nối được với các bệnh viện tuyến Trung ương, bệnh viện tuyến tỉnh trên cả nước. Trung tâm sẽ thực hiện công tác trao đổi thông tin, cập nhật các phác đồ điều trị mới cũng như hội chẩn các trường hợp khó ở tại các cơ sở y tế.
Qua Trung tâm, các chuyên gia đã họp trực tuyến hội chẩn cho các bệnh nhân ở các đầu cầu gồm Bộ Y tế, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2, Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh. Tại cuộc họp này, chất lượng hình ảnh, báo cáo, xét nghiệm chụp chiếu cũng đã được đưa lên rất rõ ràng. Thông qua đó, nhiều chuyên gia đã có ý kiến, để tư vấn hỗ trợ điều trị cho các đơn vị tốt hơn.
Ngay sau đó, Bộ Y tế đã ban hành các văn bản hướng dẫn cho người cách ly tại nhà riêng và tại chung cư, căn hộ cho thuê. Các văn bản đều nêu chi tiết cách thức cách ly, khử khuẩn, vệ sinh cá nhân cho người cách ly ở nơi lưu trú và giúp bảo đảm an toàn cho cá nhân và cộng đồng. Riêng đối với đối tượng cách ly tại chung cư, Bộ Y tế đã có hướng dẫn đối với ban quản lý/ban quản trị/ban đại diện. Hướng dẫn bao gồm việc phân công và công khai thông tin liên lạc (tên, số điện thoại) của cán bộ đầu mối phụ trách về công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 tại chung cư; xử lý rác thải, công tác vệ sinh khử khuẩn cũng như tập huấn và trang bị đầy đủ thiết bị cho người lao động trong công tác khử khuẩn.
Về phác đồ điều trị, các đơn vị thuộc ngành y tế đã có những thay đổi tiệm cận với tiến bộ khoa học và kinh nghiệm điều trị trên thế giới. Những ngày qua, đội ngũ y tế tại các bệnh viện đã kiểm soát được tình hình, phần lớn sức khỏe của các bệnh nhân diễn biến tốt. Ngoài ra, công suất xét nghiệm Covid-19 cũng được đẩy nhanh hơn, tất cả đơn vị xét nghiệm được yêu cầu trả kết quả trong 24 giờ và sẽ cố gắng rút ngắn thời gian trả kết quả trong thời gian tới đây.
Theo Bộ Y tế, trên thế giới vẫn chưa có thuốc đặc hiệu chữa bệnh Covid-19. Trong quá trình điều trị, các bác sĩ sử dụng nhiều thuốc điều trị hỗ trợ, các bệnh viện đã được Bộ Y tế cung cấp theo chương trình chống dịch đầy đủ.
Đánh giá về tình hình phòng chống dịch Covid-19 trong giai đoạn mới, WHO nhận định, đến nay, Việt Nam đã kiểm soát tương đối chặt chẽ tất cả các trường hợp nghi ngờ, có biện pháp cách ly với các đối tượng từ F0 - người bị nhiễm cho đến các đối tượng tiếp xúc gần, tiếp xúc F2, F3; khả năng làm chủ, kiểm soát tình hình của ngành y tế nói riêng và công tác phòng, chống dịch của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 đã có hiệu quả.
Diệu Linh