Sau một thời gian chú trọng đào tạo bác sĩ, Việt Nam không còn nằm trong nhóm báo động về tình trạng thiếu bác sĩ. Tuy nhiên, cách thức đào tạo bác sĩ của Việt Nam đang rất khác so với các nước trên thế giới. Việc đào tạo hiện giao cho các trường, các cơ sở đào tạo tự xây dựng chương trình, tự đánh giá kết quả và tự công bố chất lượng nhân lực mà mình đào tạo. Việc đánh giá sinh viên chưa phản ánh hết quá trình hình thành và phát triển năng lực của bác sĩ. Ðánh giá năng lực thực hành của sinh viên y khoa chủ yếu vẫn dựa vào phương pháp truyền thống, chưa đo lường đầy đủ các yêu cầu năng lực sinh viên cần đạt được trong quá trình đào tạo; chưa chuẩn hóa và thật sự trở thành động lực thúc đẩy việc cải tiến quá trình dạy và học. Đã xây dựng tiêu chí kiểm định cơ sở, chương trình đào tạo nhưng thực tế chưa được thực hiện đầy đủ bởi các tổ chức kiểm định uy tín.
Chương trình, nội dung đào tạo y khoa và áp dụng phương pháp giảng dạy đánh giá mới còn chậm. Trong khi đó, nhiều kỹ thuật và phương pháp chẩn đoán, điều trị, chăm sóc, theo dõi và phục hồi chức năng liên tục được phát triển, ứng dụng, đòi hỏi chương trình và nội dung đào tạo phải liên tục được cập nhật.
Ðiều kiện học tập và thực hành của sinh viên y khoa ở nước ta có nhiều vấn đề cần quan tâm khi cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo còn gặp khó khăn, nhất là chưa đáp ứng được với số lượng sinh viên y khoa khá nhiều như hiện nay. Với số lượng sinh viên tăng cao, nhiều trường đại học y được hình thành cũng như nhiều trường đại học khác mở thêm mã ngành đào tạo y khoa đang là thách thức và gánh nặng đối với thực hành lâm sàng tại bệnh viện.
Nhân lực y tế là một bộ phận rất quan trọng, là điều kiện quyết định chất lượng và hiệu quả hoạt động của hệ thống y tế trong bối cảnh kinh tế - xã hội ngày càng phát triển. Chuẩn mực chăm sóc sức khỏe của nhân dân đòi hỏi cao hơn cả về số lượng lẫn chất lượng. Mô hình bệnh tật đã thay đổi theo xu hướng tỷ lệ các bệnh không lây nhiễm gia tăng liên tục ở mức cao. Vì vậy, để thực hiện mục tiêu đảm bảo và nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực y tế đáp ứng yêu cầu bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, hướng tới hội nhập quốc tế, đòi hỏi công tác quản lý đào tạo nguồn nhân lực y tế cần phải có những giải pháp hợp lý cả trước mắt và lâu dài.
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế, cần phải đổi mới căn bản, toàn diện công tác đào tạo nhân lực y tế để có thể đáp ứng yêu cầu cả về y đức và chuyên môn trong điều kiện chủ động, tích cực hội nhập quốc tế.
Hiện nay, Bộ Y tế đang chủ trương triển khai đổi mới căn bản, toàn diện đào tạo phát triển nguồn nhân lực y tế theo hướng tiếp cận với các phương thức đào tạo của các nước tiên tiến trên thế giới. Thực tế này đòi hỏi đổi mới đào tạo nhân lực y tế đi sâu vào đổi mới một số chương trình đào tạo chủ chốt theo hướng hình thành năng lực nhằm tạo ra nguồn nhân lực y tế đáp ứng với mô hình bệnh tật và hoàn cảnh thực tế của Việt Nam, gắn đào tạo với sử dụng nhân lực y tế. Bên cạnh đó, tiến hành nghiên cứu và đề xuất mô hình đào tạo ngành y, dược. Tập trung điều chỉnh chương trình đào tạo chuyên khoa sau đại học, gắn kết quả đào tạo chuyên khoa với ngạch bậc viên chức y tế, bổ nhiệm chức vụ chuyên môn, đưa hệ đào tạo bác sĩ chuyên khoa chính thức vào hệ thống giáo dục đại học.
Đổi mới đào tạo nhân lực y tế là một quá trình lâu dài, cần sự chỉ đạo thống nhất của cơ quan quản lý cũng như sự tham gia tích cực của cả hệ thống đào tạo nhân lực y tế hướng tới mục tiêu là nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng yêu cầu thực tiễn chăm sóc sức khỏe nhân dân và hội nhập quốc tế.