Theo Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung: nếu người dân không chấp hành quy định thì mọi nỗ lực của Chính phủ, thành phố Hà Nội cùng các y bác sĩ sẽ đổ xuống sông xuống biển.
Đồng thời, Chủ tịch UBND thành phố đưa ra thông điệp đề nghị tất cả người dân trên địa bàn Hà Nội cần phải nghiêm túc thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Đó là không tụ tập đông người, khuyến cáo mọi người dân ít đến nơi công cộng, hạn chế ra đường nếu không có việc cần thiết. Chúng ta chỉ có thể tránh được, hạn chế được mức thấp nhất khi mọi người cùng đồng lòng thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong lúc này là không nên đi ra đường, càng ở nhà nhiều càng tốt. Thành phố sẽ ban hành văn bản chính thức trong thời gian ngắn.
Trước đó, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã có văn bản đề nghị các chùa trên cả nước thực hiện nghiêm biện pháp phòng ngừa theo quy định của Bộ Y tế, yêu cầu bắt buộc mọi người khi đến chùa phải đeo khẩu trang, kể cả khi tham gia thực hành các nghi lễ. Các chùa bố trí cho các tình nguyện viên hướng dẫn đeo khẩu trang đúng cách, rửa tay kỹ bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn. Đáng chú ý, tại khu vực một số chùa ngay tại phía ngoài cổng và bên trong đều được dán các thông báo về dịch Covid-19 cũng như các hướng dẫn của Bộ Y tế về việc vệ sinh tay chân, tuyên truyền các thông tin về cách phòng chống để người dân đi lễ phòng tránh dịch bệnh. Tuy đã có sự tuyên truyền rộng rãi về việc cần thiết phải đeo khẩu trang khi đi lễ ở các đền, chùa nhưng nhiều người dân vẫn chủ quan không đeo khẩu trang.
Tại chùa Bia Bà (La Khê, Hà Đông), dễ dàng nhận thấy khá nhiều người đeo khẩu trang để bảo vệ sức khỏe của bản thân và phòng chống sự lây lan có thể xảy ra của vi rút SARS-CoV-2. Nhưng điều đáng nói là nhiều người thường tháo bỏ khẩu trang khi tiến hành thắp hương cầu khấn, đặc biệt là ở không gian phía trong gian thờ, vốn khá chật hẹp, lại tập trung đông người.
Nhiều người dân vẫn mang tâm lý chủ quan khi thấy chùa vắng người nên cho rằng không cần đeo khẩu trang khi đi làm lễ. Chị Phạm Huyền Trang (Hà Đông, Hà Nội) cho biết, việc đi lễ chùa ngày mùng 1 hay ngày rằm đã là thói quen của gia đình chị. Chị cũng đã trang bị cho mình khẩu trang và nước rửa tay khô khi đi lễ chùa, tuy nhiên, đây cũng là ý thức, quan niệm của từng người nên cũng có người thực hiện rất đầy đủ, có người vẫn còn chủ quan.
"Một số người cho rằng việc tháo bỏ khẩu trang ở nơi tâm linh thể hiện sự thành kính của bản thân trước các bậc bề trên, thể hiện sự tôn kính khi đi lễ chùa. Có như vậy, họ mới được phù hộ và những điều cầu khấn mới linh nghiệm. Nhưng theo tôi Phật tại tâm, chỉ cần lòng mình thành là được. Việc đeo khẩu trang khi hành lễ vẫn đảm bảo niềm tin tâm linh, không có gì là bất kính", chị Trang chia sẻ.
Chính vì vậy, việc tuyên truyền và hướng dẫn thực hiện nghiêm các biện pháp phòng ngừa theo quy định của Bộ Y tế, bắt buộc mọi người khi đến chùa phải đeo khẩu trang, kể cả khi tham gia thực hành các nghi lễ là rất cần thiết. Nhưng để công tác phòng chống dịch Covid-19 đạt hiệu quả cao nhất, mọi người dân cần nâng cao ý thức hơn nữa, tránh tụ tập đông người, đeo khẩu trang nơi công cộng, cùng chung tay góp sức vào công cuộc ngăn chặn đại dịch nguy hiểm Covid-19. Nếu không sẽ khó tránh khỏi nguy cơ dịch lây lan diện rộng và làm đổ bể mọi nỗ lực, cố gắng phòng chống dịch Covid-19 của cả hệ thống chính trị.
Nhật An